Giỏ hàng
Làng nghề làm bột truyền thống ở Sa Đéc (Đồng Tháp): Thay đổi để phát triển

Tin tứcNgày: 04-04-2023 bởi: Phong Vinh

Làng nghề làm bột truyền thống ở Sa Đéc (Đồng Tháp): Thay đổi để phát triển

Nguồn nước ngọt quanh năm, thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp mà sản phẩm bột gạo Sa Đéc nổi tiếng khắp cả nước, mang những giá trị riêng, đặc sắc so với nhiều nơi khác.

Hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác nghề làm bột ở đây ra đời vào khi nào nhưng từ lâu nghề đã phát triển trở thành một trong những nghề truyền thống Sa Đéc. Nghề làm bột Sa Đéc góp phần tạo nên uy tín, danh tiếng, đóng góp cho sự phồn thịnh của quê hương, đồng thời, nâng cao đời sống của nhiều gia đình và sự thành đạt của nhiều thế hệ.

Được biết, nghề làm bột ở Sa Đéc tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông, về sau lan ra ở phường 2, phường 3, Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, An Hòa, Tân Quy Tây…Với cách làm thủ công đơn giản, nguyên liệu chính là gạo, nếp được thu mua ở trong làng hoặc những nơi lân cận cùng nguồn nước dồi dào ở sông Tiền, sông Sa Đéc nước ngọt quanh năm, không nhiễm phèn bị chua, lợ… chính những yếu tố đó làm cho bột Sa Đéc có màu trắng đẹp, mịn nhuyễn. 

Đầu tiên, gạo và nếp được ngâm nước cho mềm, sau đó chắt ráo nước để vào cối đá xay cho nhuyễn, xay xong cho vào lu, khạp hoặc hồ xây bằng xi măng rồi đổ nước vô ngâm. Hằng ngày, phải tẻ nước thành nhiều đợt, thay nước mới ít nhất một tuần. Bên cạnh đó, để cho bột thật nhuyễn phải lọc ra cho thật ráo nước. Cuối cùng, đem bột bày ra nia phơi độ ba, bốn nắng cho thật khô là có sản phẩm bột. Hiện tại, cách làm truyền thống trên này chỉ còn được trân trọng lưu giữ trong một số gia đình, xem đó là những kỷ niệm hoặc làm bánh dâng lên tổ tiên và tưởng nhớ tiền nhân đã dày công khởi nghiệp.

 


Làng nghề làm bột Sa Đéc góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Ngày nay, các cơ sở, các hộ sản xuất bột đã áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, điện khí hóa trong nhiều khâu quy trình sản xuất bột như đầu tư máy vo, máy nghiền, thiết kế giàn ép bột tươi, bồn lắng, hệ thống bơm hút phụ phẩm…

Sản phẩm bột được chia thành hai loại: bột tươi ướt, cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô có thể dùng để dự trữ lâu, chế biến dần. Từ bột có thể chế biến ra hàng loạt mặt hàng khác nhau, không thể thiếu trong đời sống xã hội như: bánh phở, bánh hủ tiếu, miến, bún và một số các loại bánh, kẹo, sản phẩm ăn liền…Trung bình một ngày các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân 80-90 tấn bột tươi nhờ đó thị trường tiêu thụ bột Sa Đéc mở rộng hơn rất nhiều. Ngoài ra, bột Sa Đéc còn được cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của thành phố Hồ Chí Minh, khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và xuất khẩu đi một số nước.

Là một trong những làng nghề có bề dày lịch sử lâu đời ở TP. Sa Đéc, làng nghề sản xuất bột gạo không những có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế của địa phương mà còn làm nên nét văn hóa ẩm thực rất riêng cho cư dân Nam bộ. Bằng kinh nghiệm và bí quyết sản xuất đặc biệt, không hề có sự can thiệp của chất bảo quản hay hóa chất. Ưu điểm nổi bật là tất cả sản phẩm đều trắng tinh, sóng sánh, hương vị đậm đà, dai ngon không lẫn vào đâu được. Đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, sản lượng bình quân trên 50 ngàn tấn bột trong năm. Cùng với đó những phụ phẩm từ việc sản xuất bột đã trở thành một yếu tố cho việc phát triển về chăn nuôi.

Có thể nói sản phẩm từ làng bột Sa Đéc luôn được đánh giá cao từ thị trường nhưng hiện tại với yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của người tiêu dùng, nghề làm bột gạo truyền thống ở TP. Sa Đéc đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn mới. Cụ thể, sản phẩm phải đồng nhất về chất lượng, đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành sản xuất cạnh tranh…Để tiếp tục tồn tại và phát triển bền vững, làng nghề cùng chính quyền địa phương đã và đang tiếp tục đề ra hướng đi mới thay đổi những cách làm không còn phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất. 

Yên Nhiên