Tin tứcNgày: 21-04-2023 bởi: Phong Vinh
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói về tiềm năng và dư địa phát triển của cây sen
Tỉnh Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cây sen đã mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn nông hộ, doanh nghiệp và nếu có mô hình liên kết sản xuất tốt, dư địa nâng cao giá trị cho cây sen còn rất lớn.
Phát biểu định hướng sản xuất cây sen tại hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ sen Đồng Tháp do địa phương này tổ chức vào ngày 21/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, không riêng gì cây sen mà nhiều ngành sản xuất khác cũng đang trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.
Trong khi đó yêu cầu hiện nay là cả chuỗi giá trị phải gắn kết được tất cả các thành tố đó lại để tạo thành hệ sinh thái ngành hàng mà ở đó tích hợp đa giá trị và sự phân phối lợi nhuận phải bình đẳng, công bằng và hài hòa lợi ích cho các mắt xích tham gia chuỗi
"Trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu như hiện nay, chúng ta còn phải hướng đến bán cả ‘phần hữu hình” của sản phẩm, ‘phần hồn’ giá trị thương hiệu của sản phẩm", Bộ trưởng Hoan nói.
Đối với cây sen, tỉnh Đồng Tháp có bộ nhận diện về sen tương đối khác biệt, đi trước một số nơi khác. Bộ trưởng cho rằng Đồng Tháp cần tự tin biến cây sen trở thành thế mạnh của địa phương như các sản phẩm khác như xoài Cao Lãnh, làng hoa Sa Đéc…
Vẫn theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ mô hình sen Đồng Tháp, các địa phương khác cũng có thể thiết lập những ngành hàng tuỳ theo đặc sản địa phương của mình. Như vậy, cả nước chúng ta sẽ có rất nhiều chuỗi ngành hàng của các địa phương và từ chuỗi ngành hàng địa phương mới kết nối chuỗi ngành hàng cả nước.
"Có như thế chúng ta mới có được quy mô chuỗi ngành hàng đáp ứng cho thị trường lớn hơn, chiếm thị phần cao hơn và giá trị thu về cũng lớn hơn”, Bộ trưởng Nông nghiệp nhấn mạnh.
Danh tiếng 'Đất Sen hồng'
“Với đặc tính sinh học, thích nghi môi trường khắc nghiệt, Sen còn tượng trưng cho phẩm chất con người Đồng Tháp luôn nỗ lực vươn lên từ gian khó.
Từ một địa phương thuần nông, 'khuất nẻo', Đồng Tháp đã trở thành điểm sáng của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp...
Tất cả đã góp phần định vị rõ nét hình ảnh quê hương Đất Sen hồng.
Đồng Tháp cũng chọn hình ảnh 'Bé Sen' vui, khoẻ, xinh tươi làm biểu tượng nhận diện thương hiệu du lịch Đất Sen hồng.
"Người dân nơi đây còn sáng tạo, tâm huyết khi khai thác thế mạnh của cây sen để chế biến trên 200 món ăn, thức uống bổ dưỡng, trong đó có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)", Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.
Theo số liệu do địa phương cung cấp, tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 331 ha trồng sen, trên tổng diện tích được quy hoạch vùng trồng sen được phê duyệt là 461ha; tập trung chủ yếu tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh,Tân Hồng và Lấp Vò.
Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, xét về hiệu quả kinh tế thì cây sen cho hiệu quả kinh tế cao hơn so một số cây trồng khác. Hiện nay, cây sen đã được nghiên cứu chế biến thành hàng trăm sản phẩm khác nhau, trong đó có 30 sản phẩm của 11 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao.
“Nhằm hướng tới phát triển bền vững cây sen, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đang có đề án phát triển chuỗi giá trị, thương hiệu sản phẩm sen, chuẩn bị nghiệm thu vào tháng 7 năm nay”, ông Tài cho hay.
Nâng cao giá trị
Theo PGS.TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Đồng Tháp là một tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây sen.
Hiện nay, cây sen được trồng nhiều nơi trong tỉnh Đồng Tháp với diện tích lúc cao nhất lên đến hàng ngàn ha và đã mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, tuy nhiên đến nay cây sen Đồng Tháp vẫn chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, bởi có nhiều nguyên nhân.
Do đó, để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng sen đạt 1.500 ha, sản lượng đạt khoảng 3.000 – 3.500 tấn hạt/năm, doanh thu từ cây sen đạt 400 – 500 tỷ đồng/năm, thu nhập người trồng sen tăng 120% so với năm 2021 thì địa phương cần khắc phục những hạn chế như: cải thiện chất lượng giống, bộ giống sen...
Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng cần liên kết sản xuất thành vùng nguyên liệu lớn để tổ chức sản xuất theo quy mô công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản suất; đào tạo lao động, chế biến sâu sản phẩm sen để nâng cao hơn nữa giá trị cây sen.