Tin tứcNgày: 21-04-2023 bởi: Phong Vinh
Thách thức của ngành hàng sen Đồng Tháp
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Đồng Tháp sẽ viết tiếp câu chuyện về sen, cần có kiến thức sâu và rộng, thay đổi tư duy, thoát ra khỏi việc ăn uống, kiếm tiền… để trả lời câu hỏi lớn hơn rằng sen sẽ mang lại những giá trị gì cho vùng đất và con người.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ngày 30-8, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo khoa học Chế biến sâu - giải pháp phát triển giá trị cây sen tỉnh Đồng Tháp do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Hiệp hội Ngành hàng sen thực hiện.
Hội thảo nhận được nhiều tham luận đóng góp các chuyên gia trong và ngoài tỉnh nghiên cứu về giá trị cây sen ở các lĩnh vực trang trí, du lịch, thực phẩm, dược phẩm… Các doanh nghiệp chế biến tại Đồng Tháp cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để phát triển ngành hàng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở nhiều vấn đề trong hội thảo - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Mở đầu buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ nhiều ý kiến gợi mở rất chân tình và tâm huyết, trong đó nhấn mạnh giá trị sen không dừng lại ở việc ăn uống, mà là giấc mơ của người nông dân được hiện thực hóa thành giá trị vật chất, giá trị văn hóa của một vùng đất.
"Tôi hy vọng, Đồng Tháp sẽ viết tiếp câu chuyện về sen, cần có kiến thức sâu và rộng, thay đổi tư duy, thoát ra khỏi việc ăn uống, kiếm tiền… để trả lời câu hỏi lớn hơn, rằng sen sẽ mang lại những giá trị gì cho vùng đất và con người? Chúng ta nên nghĩ khác hơn, rộng hơn để mang lại giá trị cao hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông Ngô Chí Công - chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp - đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó nhấn mạnh để có những sản phẩm tốt, chất lượng cao cần có vùng nguyên liệu đạt chuẩn và ổn định về sản lượng, tránh tình trạng ùn ứ hoặc khan hiếm nguyên liệu cục bộ.
"Một trong những thách thức của ngành hàng sen hiện nay là có những sản phẩm thành công nhưng chưa có sự đột phá rõ ràng trong toàn chuỗi ngành hàng, nên từ đó giá bán các sản phẩm chế biến từ sen còn ở mức khiêm tốn, thậm chí bị so sánh về giá bán trên thị trường, làm mất đi nhiều cơ hội", ông Công nói
PGS.TS Đặng Văn Đông - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - trình bày kết quả thực hiện xây dựng đề án phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp.
"Việc ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực sản xuất các sản phẩm từ sen cần xây dựng cơ sở bảo tồn, lưu trữ giống sen quy mô 3-5ha; chọn giống gene mới phù hợp điều kiện sinh thái của địa phương và xây dựng cơ sở chuyên ươm tạo giống sen chất lượng cao đáp ứng 50-70% nhu cầu sản xuất", ông Đông nói.
Ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho rằng việc gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn là cốt yếu để có được sự phát triển lâu bền cho ngành hàng sen.
"Ngành nông nghiệp cũng sưu tầm, bổ sung nhiều giống sen mới từ Hàn Quốc và Nhật Bản để nhân giống cho nông dân trồng. Đồng thời phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ đưa kỹ thuật tiên tiến vào chế biến, sản xuất hiệu quả hơn", ông Điền nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở nhiều vấn đề trong hội thảo - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT