Tin tứcNgày: 21-04-2023 bởi: Phong Vinh
Chuẩn hóa sản xuất, thực hiện giấc mơ nông sản Việt phủ sóng EU
- Thông qua cơ hội làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những góc nhìn rõ nét hơn về những cơ hội và thách thức để đưa nông sản Việt tiến vào thị trường EU.
16/12/2022 10:12
Bộ trưởng có thể chia sẻ về những kết quả hợp tác lĩnh vực NN&PTNT trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến các quốc gia thuộc EU những ngày này?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyến thăm song phương của Thủ tướng tới 3 nước cũng như dự diễn đàn chung EU – ASEAN một lần nữa nâng cao hình ảnh Việt Nam trong lòng châu Âu. Từ đó kéo theo hàng loạt sự kiện kết nối, chương trình hợp tác của các ngành, lĩnh vực của Việt Nam với EU nói chung và các quốc gia nói riêng, đặc biệt là lĩnh vực NN&PTNT.
Đã có những cam kết hợp tác về lĩnh vực NN&PTNT, bao gồm: Thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, những chương trình đổi mới sáng tạo, kết nối xây dựng các trung tâm logistics nông nghiệp cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
ĐBSCL là nơi chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đã nhận được sự quan tâm rất sâu sắc của lãnh đạo các quốc gia, tôi nghĩ điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.
Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về thông điệp của Thủ tướng khi tới thăm các quốc gia châu Âu liên quan lĩnh vực NN&PTNT và kinh tế xanh trong nông nghiệp?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thủ tướng luôn nhấn mạnh, Việt Nam đang tiếp cận một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Điều này thích hợp với xu thế kinh tế xanh với cam kết Việt Nam đã đưa ra với các nhà lãnh đạo thế giới để thích ứng với biến đổi khí hậu tại COP26 vừa rồi, trong đó có mốc chỉ tiêu đến năm 2050 là chúng ta cân bằng carbon. Thông qua đó, Thủ tướng cũng mong muốn các nhà lãnh đạo châu Âu, các quốc gia đang phát triển nhìn thấy thực trạng của Việt Nam để có những tư vấn, nguồn lực, kể cả về tài chính cho Việt Nam để có thể hỗ trợ một trong những ngành cũng gây ra biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính trong thời gian vừa qua. Tôi nghĩ đó chính là điều kiện để chúng ta hiện thực hóa chiến lược phát triển NN&PTNT mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Theo Bộ trưởng, qua chuyến đi này, doanh nghiệp các nước đánh giá thế nào về sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam và thông điệp của Chính phủ Việt Nam?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Từ chuyến thăm của Thủ tướng tới các quốc gia và các cuộc làm việc song phương của Bộ NN&PTNT đều toát lên một tinh thần là hai bên rất gần nhau.
Các quốc gia châu Âu cũng cần những nông sản nhiệt đới, những lương thực thực phẩm của Việt Nam cung ứng ra toàn cầu, đó là cơ hội của chúng ta. Thông qua đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều tiềm năng đến với thị trường châu Âu. Tất nhiên bên cạnh tiềm năng bao giờ cũng có những thách thức rất lớn.
Chuyến đi lần này giúp Bộ NN&PNT nhìn rõ đâu là tiềm năng, đâu là thách thức, để từ đó cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng phân tích thêm cơ hội, cách tiếp cận thị trường châu Âu. Đây là cách chuyển tư duy từ "buôn chuyến" sang cùng nhau phát triển.
Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh đề nghị các quốc gia mở rộng thị trường cho hàng nông sản Việt Nam và nhận được phản hồi tích cực. Bộ trưởng có nghĩ rằng chúng ta đã có được những thành quả ban đầu trong việc mở rộng thị trường nông sản?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi cho rằng đây cũng là một thành công bước đầu trong việc mở cửa một thị trường lớn. Đi trong đoàn cũng có một số lãnh đạo địa phương, mọi người đã đón nhận được quan điểm chỉ đạo và thông điệp mà Thủ tướng đưa ra với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Tôi muốn nhắc lại một lần nữa: Thị trường châu Âu đã mở cửa nhờ những thành quả của Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), tuy nhiên nông sản của chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của các thị trường đó hay không, chuẩn thị trường là câu chuyện từ phía chúng ta. Không chỉ cứ sản xuất mang đi bán mà phải xuất phát từ chuẩn nhu cầu để sản xuất ra. Đây là điều mà bộ NN&PTNT cũng mong muốn các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tổ chức lại ngành hàng và chuẩn hóa quy trình sản xuất để đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao của thị trường châu Âu. Chỉ khi nào chúng ta chuẩn hóa được điều này mới hiện thực hóa được giấc mơ đưa nhiều nông sản hơn, giá trị hơn, độ phủ cao hơn ở các 27 quốc gia của EU.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!
Đỗ Hương