Tin tứcNgày: 20-04-2021 bởi: Ecolotus
ECOLOTUS – HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO SEN " BẤT TỬ " VÀ LAN TỎA GIÁ TRỊ QUỐC HOA
Từ trăn trở “Liệu có làm được hoa sen bất tử như hoa hồng bất tử hay không?”, Ngô Chí Công tin rằng để tạo ra sức bật khác biệt cho sen, chỉ có con đường kết hợp với khoa học. Ngay sau đó, ý tưởng thương hiệu Ecolotus ra đời, với sứ mệnh nâng tầm và lan tỏa giá trị quốc hoa.
Nhà sáng lập Ecolotus Ngô Chí Công (phải) và cộng sự Nguyễn Lê Ngọc Quỳnh
Trong không gian showroom Ecolotus tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Luxuo.vn có dịp chiêm ngưỡng những sản phẩm khác biệt từ cây hoa sen dung dị và đời thường. Từ bông sen “bất tử” nhờ công nghệ sấy khô đến túi xách lá sen, trà hoa sen, trà lá sen, nón lá sen, tranh canvas… Mỗi sản phẩm phục vụ một lĩnh vực khác nhau trong đời sống, khiến người tham quan tò mò và ngạc nhiên tự hỏi: “Bấy lâu nay, sao ta chỉ biết đến hoa sen tươi hay hạt sen mà thôi?”
Thật thế, với tiêu chí khai thác hết tiềm năng từ mọi bộ phận của sen, Ecolotus đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao lên tài nguyên bản địa đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, để tạo ra sản phẩm sen sấy khô mang thương hiệu Ecolotus.
Chúng tôi có dịp chuyện trò với nhà sáng lập – CEO Ngô Chí Công và chị Nguyễn Lê Ngọc Quỳnh – cộng sự sát cánh bên anh từ những ngày đầu để hiểu hơn về câu chuyện kinh doanh đầy cảm hứng của Ecolotus.
Được biết, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành Hóa học tại Pháp, anh Công trở về nước khởi nghiệp nhưng không thành với 2 startup là tiệm bánh và gốm giả đá. Vậy cơ duyên nào khiến anh bắt đầu lại và kiên trì với Ecolotus?
Sau hai startup không thành, tôi trải qua quãng nghỉ nhưng không quá lâu, nó đủ để mình bình tâm trước thất bại và nhìn lại những gì mà bản thân đã sai sót. Thời gian ấy cũng giúp tôi chọn lựa con đường nào tiếp theo, dự án nào cần theo đuổi.
Tôi sinh ra ở miền quê Đồng Tháp, ở có những cánh đồng sen bạt ngàn và mê hoặc. Tôi tự nhủ: “Vậy thì tại sao không khởi nghiệp với sen?”. Giá trị của sen bấy lâu nay chỉ dừng ở mức độ khiêm tốn như sen tươi để trang trí mà thôi.
Với nền tảng là thạc sĩ chuyên ngành Hóa, tôi trăn trở và tự đặt câu hỏi nữa: “Liệu có làm được hoa sen “bất tử” như hoa hồng “bất tử” hay không?” Tôi tin, để tạo nên sức bật khác biệt cho sen, chỉ có một con đường là kết hợp với khoa học. Cái duyên đưa đẩy tôi lên Đà Lạt, gặp gỡ một người đàn ông dùng công nghệ sấy khô để xử lý loại hoa này. Nhưng cuộc đối thoại chỉ dừng lại ở phòng khách, ông là người giấu nghề, và nếu đặt chính mình vào vị trí của ông, tôi cũng sẽ như thế.
Từ lâu, Đà Lạt đã nổi tiếng với công nghệ ướp hoa, sấy hoa, giữ cho hoa có sức sống lâu dài. Nhưng ở Hà Nội, tôi biết một số đơn vị đi theo con đường này nhưng tầm nhìn của họ không phải để phát triển và nâng tầm, nhân rộng giá trị sen như quốc hoa, mà đơn thuần coi nó như chất liệu làm ăn kinh tế.
"Chúng tôi đã thổi hồn vào hoa sen và đưa nó vào cuộc sống hiện đại với nhiều ứng dụng khác nhau. Kết quả ấy đến từ tâm sức trí tuệ của cả ekip, với nhiều thăng trầm và phản hồi của thị trường."
Nhân duyên giữa tôi và người đàn ông ở Đà Lạt cũng đã gieo vào tâm trí tôi niềm tin rằng nhờ vào công nghệ, khoa học, con người có thể kéo dài sự sống vốn dĩ mong manh của sen. Vào năm 2015, tôi bắt đầu tự tìm tòi, nghiên cứu, thí nghiệm công nghệ ướp, sấy hoa sen, kỳ vọng rồi lại thất vọng, và tiếp tục kiên trì như thế trong 6 đến 8 tháng.
Những người sát cánh bên tôi từ ngày đầu bao gồm chị Quỳnh, người chứng kiến sự ra đời của những bông hoa đầu tiên. Kết quả, chúng tôi thành công nhưng những hoa sen sấy khô mà bạn chứng kiến bây giờ tại Ecolotus đã thuộc thế hệ F8, F9.
Chị Quỳnh và anh Công đã sát cánh bên nhau từ những ngày đầu, không biết mối nhân duyên giữa hai người nảy sinh trong hoàn cảnh đặc biệt nào?
Chúng tôi quen thân hồi còn là du học sinh bên Pháp. Trong bất cứ bước đi nào của cả hai, chúng tôi đều chia sẻ với nhau. Khi nghe Công kể mong mỏi lan tỏa sản phẩm đặc trưng vùng miền, mà cụ thể ở đây là hoa sen Đồng Tháp, tôi đã rất ủng hộ. Nhưng, từ việc có ý tưởng đến lúc ra thực tế và thương mại trên sản phẩm là cả một quá trình. Những gì mà mọi người thấy trên kệ hàng của Eolotus đã là đời F8, F9. Nghĩa là chúng tôi đã phải thay đổi hàng ngày để phù hợp và đến gần hơn với thị trường.
Khi nghe Công kể về dự án công nghệ sấy khô hoa sen, tôi đã lắng nghe và theo dõi từng bước đi của bạn ấy. Cho đến khi Công mời tôi về hợp tác. Tôi nghĩ, mỗi người sẽ giỏi một lĩnh vực khác nhau, và mỗi cá nhân không thể cùng lúc làm hết được tất cả. Nếu muốn thành công với sản phẩm này, chính đam mê, định hướng và tiếng nói chung của hai chị em phải hòa vào nhau để dẫn dắt đội ngũ. Dù biết, theo đuổi một sản phẩm thuần Việt, thân thiện với môi trường là vô cùng thử thách. Chưa kể, hoa sen là lựa chọn khó nhất trong các loài hoa, đối chiếu trong phân khúc tiêu dùng, và hình ảnh quốc hoa khiến chiến lược truyền thông phải tinh tế và đổi mới.
Như anh chị chia sẻ, khi theo đuổi một sản phẩm khó như hoa sen, Ecolotus sẽ trải qua nhiều thử thách. Vậy những thử thách đó được thể hiện cụ thể như thế nào?
Bản thân Công là thạc sĩ Hóa học tại Pháp và thực hiện thí nghiệm trên loài hoa mà ở Pháp không có đã là một thử thách đầu tiên. Đặc tính của sen không giống bất cứ loài hoa nào như hoa hồng, hoa cúc hay hoa mai. Nó cũng mọc trên một vùng đất đặc biệt với đặc điểm không có đài, cánh hoa không có sự nâng đỡ, kết cấu nhụy hoa chứa nhiều nước, nhiều nhựa…
Vì thế, công nghệ của Ecolotus không chỉ dừng lại ở sấy, mà là sự kết hợp giữa việc thay thế nhựa sống tự nhiên trong hoa sen thành một dạng hợp chất nhân tạo trước khi sấy khô. Chúng tôi đã thực hiện nhiều công nghệ xử lý hóa học khác nhau, vì đơn giản, để tạo ra một bông sen như hiện tại, chỉ một công nghệ thôi thì không đủ.
Thị trường là thử thách khó nhằn. Hoa sen sấy khô là sản phẩm khá mới, giống như việc bạn đang đi trong đêm mà gặp một ngọn đèn, nó tỏa sáng hoặc sẽ bị thị trường nhấn chìm. Việc quảng bá ứng dụng sen trong các lĩnh vực khác như thời trang, nội thất… chưa bao giờ xuất hiện. Ecolotus đang tiên phong, thế nên, doanh nghiệp gặp nhiều cơ hội và thử thách. Chúng tôi đã phát huy hết tiềm năng ứng dụng của mọi bộ phận trên hoa sen: từ hoa, lá, hạt, củ, thân… và dưới sự hỗ trợ của công nghệ khoa học, đẩy giá trị gia tăng của sản phẩm và tính ứng dụng của nó vào các lĩnh vực khác.
Hơn nữa, nhiều nhà sản xuất và nhà ứng dụng chưa hiểu hết về chất liệu này. Chúng tôi cần thời gian để tiếp cận và thuyết phục họ. Việc lan tỏa hoa sen vừa thể hiện lòng tự hào dân tộc vừa phải đảm bảo quyền lợi thương mại hóa công bằng (fair-trade) giữa doanh nghiệp và người nông dân. Ở đây, chúng tôi không ép họ về sản lượng, không trả giá, hai bên cùng hỗ trợ và đồng hành, thu mua cho họ giá ổn định và cao nhất có thể, để xứng đáng với tâm huyết và cam kết của họ đối với mình. Đây cũng là cam kết ngay từ đầu của Ecolotus nhằm nâng cao giá trị của sen.
Khi sen là quốc hoa, là biểu tượng của đất nước và con người Việt Nam, việc kinh doanh và truyền thông hoa sen phải thật sự cẩn trọng. Anh chị nhìn nhận ra sao về khía cạnh này?
Như bạn cũng biết, bấy lâu nay, chúng ta chủ yếu khai thác hoa sen dưới dạng chất, như khai thác hoa sen làm thực phẩm từ củ sen, hạt sen… chứ chưa có tiền lệ công ty nào khai thác hoa sen về phần hồn. Ngoại trừ việc trên thị trường có bán hoa sen để trang trí, nhưng hầu hết chúng ta mua để trưng cho các dịp đặc biệt.
Thời gian sử dụng hoa sen rất ngắn, đôi khi chỉ vỏn vẹn một ngày và thậm chí nhiều khi hoa còn không nở. Nhiều hoa sen trên thị trường chưa phải giống sen thuần Việt Nam, và đó là lý do Ecolotus sử dụng hoa sen Đồng Tháp để mọi người thấu hiểu hơn giá trị quốc hoa: ít lớp cánh, cánh sen thanh thoát, mỏng manh, dịu dàng nhưng ẩn chứa bên trong sức sống mãnh liệt.
Điều khó khăn khi thương mại và truyền thông sản phẩm này nằm ở tiềm thức người Việt khi nói về hoa sen. Họ gắn hoa sen với hình ảnh tôn giáo linh thiêng, thiền trà. Và kế hoạch marketing quốc hoa cũng cần cẩn trọng về mặt hình ảnh, chăm chút sản phẩm sao cho gần gũi và hiện đại.
Thương mại công bằng đóng vai trò quan trọng để tạo nên thị trường kinh tế bền vững. Vậy anh chị đã bắt đầu mối quan hệ với người nông dân như thế nào để tạo nên cuộc hợp tác win-win?
Thời gian đầu, chúng tôi cũng phải xuống ruộng sen thường xuyên để thuyết phục bà con. Trên thực tế, họ có tầm nhìn ngắn hạn, do đó, chúng tôi không thể kỳ vọng họ nhanh chóng thay đổi trong một hay hai mùa.
Đặc điểm của người nông dân là gắn liền với “bao tử”. Nếu muốn họ đồng hành, chúng tôi phải cam kết, bán mua như thế nào để họ có thể sống được và sống tốt hơn điều kiện hiện tại mà họn đang làm. Và để thuyết phục được hai, ba hộ tiếp theo, chúng tôi phải thuyết phục được hộ đầu tiên làm cùng mình và tính tiền cho họ theo năm chứ không phải theo mùa vụ. Hơn nữa, nông dân nói chuyện với nông dân sẽ dễ hơn.
"Chỉ khi bạn lội ruộng cùng người nông dân, bạn mới hiểu được nỗi cực khổ và khó khăn của họ như thế nào để trả giá xứng đáng với tâm huyết mà họ bỏ ra."
Hiện nay, chúng tôi đang làm việc cùng hai hộ nông dân ở Đồng Tháp với diện tích ruộng sen lên tới 4ha. Chúng tôi sẽ tư vấn cho họ về vấn đề cải tạo đất, thu hoạch, chăm bón như thế nào để vừa thân thiện với môi trường vừa tạo ra sản lượng tốt nhất. Chỉ khi bạn lội ruộng cùng họ, bạn mới hiểu được nỗi cực khổ và khó khăn của họ như thế nào để trả giá xứng đáng với tâm huyết mà họ bỏ ra.
Người ta thường nghĩ sen chỉ dành cho những người “đứng tuổi” hay đối tượng nhất định nào đó. Còn với Ecolotus thì sao, phân khúc khách hàng mà đơn vị hướng đến sẽ như thế nào?
Thật thế, khi nghĩ đến hoa sen, người ta thường nghĩ đến cái gì đó “rất già” và chỉ dành cho đối tượng khách hàng nhất định. Nhưng sản phẩm của Ecolotus hướng đến những bạn trẻ – họ là những thế hệ kế thừa. Vì sen là biểu tượng mang tính chất văn hóa và con người Việt Nam, cần phải có những người trẻ là chúng ta đây cảm thấu.
Công ty mong mỏi một điều xa hơn là người trẻ sẽ không thờ ơ với những chất liệu nội địa, vùng miền, để chúng ta mang nó lan tỏa và tự hào với các bạn quốc tế. Hồi xưa, khi còn du học ở Pháp, các bạn hay hỏi tôi: “Đất nước Hà Lan có quốc hoa Tulip, Nhật Bản có hoa anh đào, còn Việt Nam mày có hoa gì?” Tôi trả lời: “Có, hoa sen ”. Chúng nó cười: “Đó là hoa gì, tặng tao được không?” Tôi cũng cười ngặt nghẽo: “Chỉ 3, 4 tiếng là nó héo à!”. Câu chuyện ấy khá vui nhưng cũng là nguồn cảm hứng để chúng tôi tạo ra loài hoa sen “bất tử” nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, khoa học.
Do đối tượng hướng đến là người trẻ, nên chúng tôi cũng sử dụng những hình ảnh đương đại, trẻ trung và gần gũi để tiếp cận thế hệ millennials. Chúng tôi mang sản phẩm đến các workshop, sự kiện và nhận thấy mọi người quan tâm đến chất liệu này. Như buổi trang trí lá sen lên túi xách vừa rồi đã được nhiều người trẻ hưởng ứng.
Anh chị có thể chia sẻ qua về phòng công nghệ sấy khô của Ecolotus và tính bền vững của sản phẩm này được thể hiện ra sao trong quy trình?
Phòng xử lý công nghệ của chúng tôi được đặt tại Đồng Tháp với 4 nhân viên làm việc, cho năng suất 15.000 đến 20.000 bông hoa mỗi năm. Với một bình hoa như thế này, chúng tôi sẽ phải xử lý công nghệ từ 7 ngày đến 10 ngày, còn lá thì khoảng 300 kg đến 500 kg/ năm (10 kg lá tươi thì được 1kg lá khô). Chúng tôi đang tập trung vào ứng dụng của lá sen dùng trong trang trí hàng ngày, nhà hàng và kết hợp các vật liệu thân thiện môi trường khác.
Mỗt sản phẩm thân thiện với môi trường đều có thời gian sử dụng, dài hay ngắn tùy thuộc vào sự cẩn thận của người tiêu dùng. Mục đích của Ecolotus là kéo dài thời gian sống của hoa chứ không nhựa hóa nó. Nếu nhựa hóa, nó sẽ “bền vững” theo thời gian nhưng khó phân hủy trong môi trường, và thành ra, nó không còn bền vững theo ý nghĩa đích thực nữa.
Một số người đang có cái nhìn cực đoan hóa về bền vững. Họ cho rằng nông nghiệp hữu cơ là không dùng phân lân đạm NPK, nhưng tôi nghĩ không đúng. Chỉ hành động lạm dụng NPK đã khiến nó mất đi tính bền vững, vì trong quá trình trưởng thành của cây, chúng ta cần chất dinh dưỡng vi lượng ấy để bón cho cây. Bón đúng – đủ là phương pháp nuôi trồng bền vững nhất.
Đã là một startup ắt sẽ có nhiều trăn trở, đặc biệt, sản phẩm làm từ sen lại không phải nhu yếu phẩm, thế nên “cung sinh cầu” là điều mà doanh nghiệp cần chú tâm. Tôi tò mò không biết liệu Ecolotus đã áp dụng chiến lược “cung sinh cầu” như thế nào?
Như bạn nói, startup nào cũng có nhiều trăn trở. Chúng tôi có cái được, và cái chưa được cũng nhiều. Cái được của doanh nghiệp là đã tạo nên một chất liệu khá tốt, và tiếp tục cải tiến nó. Chúng tôi còn nhớ, đời hoa đầu tiên thực sự hãy còn nhiều thiếu sót khi so sánh với bây giờ, nhưng chúng tôi đã vượt qua.
Ecolotus cũng đi theo chiến lược “cung sinh cầu” vì đây không phải là nhu yếu phẩm như bánh mì hay gạo. Đó là lý do vì sao dù chỉ mới ra đời 5 năm, chúng tôi đã có nhiều mặt hàng khác nhau ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ quà tặng, du lịch, thời trang, trang trí nhà cửa, nghệ thuật, đồ uống… Đây là demo ý tưởng, để tạo ra nguồn cầu.
"Đối tượng cạnh tranh là trong ngành này là những sản phẩm thay thế khác và chính nó cũng đang tự cạnh tranh với nó."
Cái mà chúng tôi hướng đến là có thể đồng hành lan tỏa chất liệu này cùng những nhà thiết kế, họa sĩ… Một khi họ cảm được, mình mới có thể đi sâu. Như vừa rồi, chúng tôi hợp tác với một đơn vị kiến trúc để tái hiện cánh đồng sen tại quán trà concept mang tên Dear Tea House. Một số khu nghỉ dưỡng cũng đã và đang đặt vấn đề với chúng tôi.
Tầm nhìn 5 năm sắp tới của Ecolotus sẽ như thế nào?
5 năm tới, Ecolotus sẽ cố gắng vươn lên các lĩnh vực khác nhau để trở thành mô hình tập đoàn. Mỗi lĩnh vực là một công ty để chúng tôi có thể đồng hành cùng nhiều đơn vị khác lan tỏa và đẩy giá trị hoa sen lên hàng top, dựa trên tinh thần chia sẻ, có chia rồi mới có nhân. Như vậy, tầm nhìn sẽ lớn hơn.
Nguồn: Luxuo.vn