Tin tứcNgày: 06-09-2021 bởi: Ecolotus
ECOLOTUS - NGÔ CHÍ CÔNG - NGƯỜI GIỮ LỮA HỒN SEN VIỆT
Ngô Chí Công – chàng trai từng thất bại “vài” lần với các dự án khởi nghiệp nhưng cuối cùng lại bén duyên cùng Sen, quốc hoa của dân tộc Việt. Chàng trai 28 tuổi, quê ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp quyết định trở về nước lập nghiệp sau khóa học cao học tại nước ngoài. “Hồi trẻ mà, cũng muốn tìm nơi phố xá để lập nghiệp” – Công chia sẻ.
Vốn yêu thích công việc bếp núc, sau khi tốt nghiệp trở về, Công cùng một vài người bạn khởi nghiệp bằng việc kinh doanh bánh và cà phê theo thị hiếu thị trường bấy giờ. Công chia sẻ: “Tiệm bánh có bốn cổ đông, đều là du học sinh. Dự án chạy được gần một năm. Cuối 2014, chúng tôi ngậm ngùi sang lại toàn bộ máy móc, công thức… Tết năm ấy buồn.” Lý giải cho thất bại đầu tiên, chàng trai trẻ cho rằng dự án đó chết rất…xứng đáng. Kinh nghiệm này được rút ra sau khi Công đã tham gia một khóa học về đào tạo quản lý. Những khái niệm về quản trị, tài chính, hậu mãi, văn hóa công ty … là những khái niệm chỉ đi học mới biết và bất kể dự án nào cũng cần nắm rõ các khái niệm này để có thể phát triển. Tuy nhiên, vào thời điểm vận hành công ty đầu tiên, nhóm của Công chẳng biết gì ngoài vấn đề thu-chi.. Chạy theo thị hiếu nhưng không hiểu rõ khách hàng cần gì, sản phẩm của nhóm Công đưa ra quá mới mẻ để được thị trường đón nhận.
Sau thất bại đó, Công về quê, vay mượn gia đình và bắt đầu lại với công nghệ in nước (hydroart) theo hợp đồng nhượng quyền của một doanh nghiệp ở Tây Ban Nha. Công nghệ này khá thịnh hành ở châu Âu, thường ứng dụng trong độ xe. Thay vì dán keo xe, dễ bong tróc, xuống màu… thì sơn. Ngoài xe, công nghệ này còn ứng dụng trên nhiều loại sản phẩm, nón bảo hiểm, gốm…Tuy nhiên, hoạt động được một năm Công cũng để cho dự án “chết lâm sàng” vì không có hướng phát triển. Nhận thấy làng hoa Sa Đéc có nhu cầu về gốm giả đá, chàng trai lại xoay hướng chuyển sang sản xuất mặt hàng này. Nhưng hàng sản xuất không bán ra được, càng giãy giụa lại càng sa lầy.
Trong một lần trò chuyện cùng mẹ, anh nhận thấy “thủ phủ sen – Đồng Tháp” có những giá trị tiềm năng nhưng chưa được quan tâm khai thác đúng mực. Trước nay, đa phần người nông dân trồng sen đơn giản chỉ là bán ít bông, gương sen, ngó sen,trà sen hay hột sen … còn như lá hay những thứ khác nữa thì đa phần là để khô dần rồi bỏ tại đầm. Vốn rất yêu và thân thuộc với sen, Công nảy ra ý tưởng ướp sen tươi để bảo tồn vẻ đẹp tinh tế của loài hoa này. Tìm hiểu thông tin về hoa hồng bất tử ở Đà Lạt, thiết nghĩ có thể áp dụng lên sen, Công khăn gói lên Đà Lạt tìm nghệ nhân đó để trao đổi về công nghệ ướp hoa tươi độc đáo này.
Thời gian đầu Công phải thu hoạch, vận chuyển sen tốc hành lên Đà Lạt để gia công ngay. Hoa sen không có đài vốn đã rất dễ rụng cánh, úa màu lại thêm quãng đường vận chuyển xa xôi, đến nơi chỉ còn lại sen còn búp là có thể sử dụng. Toàn bộ sen nở rộ hay chớm nở đều úa và rụng cánh. Nhưng thị trường đòi hỏi hoa sen phải thực hơn, đầy đủ búp và hoa. Công lại xắn tay nghiên cứu cải thiện màu sắc, hình dáng hoa sau sấy.
Mất khoảng sáu tháng để Công nghiên cứu và phát triển công nghệ sấy hoa sen đang ở độ bung nở, giữ được độ ẩm và mềm mịn. Kết hợp màu thực phẩm, Công tạo ra hoa sen khô mang nhiều sắc độ hồng khác nhau trên một cánh hoa, có thêm túi gạo trong nhụy giữ được màu vàng và mùi hương dịu ngọt tự nhiên. Sản phẩm đang trong giai đoạn thử độ bền màu, hiện tại có thể giữ từ 9 đến 12 tháng.
Sen được thu hoạch tại TP Cao Lãnh và huyện Tháp Mười, vận chuyển nhanh chóng về cơ sở gần đó để xử lý. Thời gian nở đẹp nhất của hoa đã được tính toán chính xác, tỉ mỉ nhờ kinh nghiệm nhà nông. Sau đó, Công đã sáng chế một máy sấy điện từ một máy không chuyên để làm thử nghiệm hàng chục công thức, tỉ lệ cho hoa, lá, gương sen để đảm bảo những bộ phận này đều giữ được màu sắc, độ ẩm, mịn đồng nhất.
Cho đến hiện nay, Ngô Chí Công cùng các cộng sự của mình đang tập trung vào 5 dòng sản phẩm chính từ cây sen. Những sản phẩm này được Công ứng dụng công nghệ sản xuất từ Pháp để làm, như sản phẩm quà tặng du lịch, trang trí nội thất, tranh nghệ thuật, thời trang và các sản phẩm gia dụng với gần 20 loại.
Với vùng nguyên liệu hơn 5 ha từ việc liên kết và thu mua của nông dân tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), trung bình mỗi ngày, Công ty Khởi Minh Thành Công của Chí Công có thể sản xuất 2.000 hoa sen ướp. Nguồn hàng này được cung cấp đến các khu du lịch, cơ quan chính quyền tỉnh và thông qua Công ty Hoa Tâm Việt để tiêu thụ tại TP.HCM. Thậm chí, Chí Công còn tận dụng mối quan hệ với một số bạn bè tại nước ngoài để đưa hoa sen xuất ngoại.
Chia sẻ thêm Ngô Chí Công cho hay, trong thời gian tới, anh sẽ có những chuyến công tác ở châu Âu nhằm tìm thêm nhiều thị trường để đưa những sản phẩm sen Việt đến được nhiều nước trên thế giới.
Cuối cùng. để nhắn nhủ cùng những người trẻ có ý tưởng khởi nghiệp, Công đề cao sự kết nối trong cộng đồng khởi nghiệp để tương trợ lẫn nhau. Anh ví dụ: “Chẳng hạn, tôi bán nón làm từ lá sen, còn một bạn khác bán khăn rằn có thể làm quai nón. Mỗi người có 100 khách. Nếu kết hợp với nhau, rất có thể lượng khách hàng sẽ nhiều hơn con số 100!”