Giỏ hàng
Hình tượng hoa sen trong văn hóa và nghệ thuật tạo hình đồ đồng truyền thống

Tin tứcNgày: 15-04-2023 bởi: Phong Vinh

Hình tượng hoa sen trong văn hóa và nghệ thuật tạo hình đồ đồng truyền thống

- Với chủ đề “Vài nét về hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình truyền thống”, thông qua những bộ sưu tập quý hiếm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, buổi tọa đàm ngày 23/8 vừa qua đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về sự hiện diện của hoa sen trong đời sống văn hóa, nghệ thuật người Việt.

- Với chủ đề “Vài nét về hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình truyền thống”, thông qua những bộ sưu tập quý hiếm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, buổi tọa đàm ngày 23/8 vừa qua đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về sự hiện diện của hoa sen trong đời sống văn hóa, nghệ thuật người Việt.

Mang đậm bản sắc văn hóa người Việt

Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hóa của người Việt Nam. Đó là biểu tượng của sự giản dị mà thanh cao, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Gốc rễ của sen nằm sâu trong bùn lầy để rồi từ đó mới nuôi dưỡng từng đóa sen xinh đẹp. Khi mùa hoa tàn lại rụng xuống, ấp ủ trong bùn chờ nảy mầm vươn lên. Hoa sen qua ngày tháng cứ kiên trì chắt lọc tinh hoa đất mẹ để rồi khi những ánh nắng rực rỡ của mùa hạ chiếu xuống thì cũng là lúc bừng lên vẻ đẹp thanh khiết, tinh khôi.

Hoa sen còn là biểu tượng cho những phẩm chất cao quý của con người. Chắc hẳn ai cũng đã từng biết đến Mạc Đĩnh Chi - vị lưỡng quốc trạng nguyên trí tuệ thông minh uyên bác. Giai thoại truyền rằng khi ông đỗ trạng nguyên, nhà vua có vẻ không vui vì thấy ông xấu xí, ông bèn viết bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc) để tự ví mình như loài sen hiếm quý chỉ những ai sâu sắc mới biết thưởng thức. Vua xem xong bài phú tỏ ý cảm phục vô cùng.

Trong nhiều hình tượng văn học và nền văn hóa dân tộc Việt Nam từ xa xưa, hoa sen đã được sử dụng như một hình ảnh quen thuộc. Đã là người dân Việt Nam thì ai ai cũng biết những câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng/Nhị vàng, bông trắng, lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” hay “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Như vậy, hoa sen gợi lên cho con người cảm giác gần gũi và đẹp đẽ.

Còn ở thời hiện đại, hoa sen lại gắn liền với hình ảnh Bác Hồ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Hình tượng ấy gợi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam sự giản dị, thân thương nhưng vô cùng thanh cao và đáng kính.

Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hóa của người Việt Nam.



Có thể nói rằng hoa sen chính là loài hoa biểu tượng cho hồn cốt dân tộc Việt nam, thể hiện được cốt cách, phong thái và tinh thần dân tộc. Những đóa sen mang vẻ bình dị cũng chính là biểu tượng tinh thần, biểu tượng văn hóa cho đất nước Việt Nam từ nô lệ, nghèo khổ mà đi lên anh dũng, kiên cường. Và con người Việt Nam dù có đi đâu vẫn mãi mang trong trái tim mình hình ảnh một loài hoa biểu tượng của cội nguồn dân tộc - hoa sen: Đường đời muôn nẻo ngàn phương/Nhìn hoa để nhớ cội nguồn nước non.

Nổi bật trong nghệ thuật tạo hình truyền thống

Trong tâm thức dân gian, sen được ví với những con người có khí chất thanh bạch, thâm trầm nhưng đầy bản lĩnh, sống nơi bụi trần nhưng không bị ràng buộc, cám dỗ bởi lợi danh… Vì vậy, sen là loài hoa được đưa vào mỹ thuật từ rất sớm, đọng lại đậm đặc trong nghệ thuật tạo hình và trang trí truyền thống.

Trong mỹ thuật thời Đinh-Tiền Lê, chúng ta có thể thấy trên một số viên gạch lát nền cỡ lớn tại khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê, ngoài đề tài trang trí chim phượng còn có đề tài hoa sen. Có loại hoa sen 16 cánh, có loại 14 cánh, có loại 8 cánh, có loại hoa sen có số cánh không cố định. Điều đó chứng tỏ, tuy các thời Đinh-Tiền Lê ngắn ngủi nhưng đã sáng tạo ra những sản phẩm có dấu ấn đặc trưng trong lịch sử mỹ thuật nước nhà.

Hộp hình hoa sen thời Nguyễn, thế kỉ 19 – 20
Ấm đúc nổi hình khóm sen trong ô cánh sen, làm bằng bạc, có từ thời Nguyễn.
Hộp đúc nổi hình sen – uyên ương bằng bạc triều Nguyễn, thế kỉ 19 – 20.


Đến thời Lý là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh, được coi như quốc giáo. Đề tài hoa sen được sử dụng nhiều trong các công trình liên quan đến Phật giáo như các bệ tượng Phật, những tảng đá kê chân cột, diềm cửa tháp, diềm bệ tượng... Hễ ở đâu có điều kiện thích hợp là nghệ nhân dùng hoa sen để trang trí. Họa tiết hoa sen còn thể hiện trên các loại ấm, liễn, thạp gốm … thuộc các dòng gốm men ngọc, men trắng, men nâu và hoa nâu. Hoa sen đúc nổi chính giữa 5 ô tròn trên mặt đàn đồng triều Lý, thế kỷ 11 - 13, phát hiện ở xã Phù Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội là một cổ vật đặc sắc triều Lý. Giữa thủ đô Hà Nội có ngôi chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) cũng được xây dựng từ thời Lý…

Sang thời Trần, đề tài hoa sen vẫn được kế tục khai thác như trong tạo hình thời Lý. Trên một số đồ gốm hoa nâu thời này xuất hiện hình hoa sen với phong cách hiện thực sinh động. Một điều duy nhất để phân biệt là các hoa văn trong lòng cánh sen thời Lý đôi khi có hình rồng, hoặc hoa dây, mà thời Trần hoàn toàn không có.

Vào thời Lê sơ, đạo Phật bị hạn chế, các chùa tháp không phát triển, nhưng hoa sen vẫn là loại đề tài được chú ý nhiều. Hoa sen không những được trang trí trên các bệ tượng Phật, trên các chân tảng cột chùa mà còn ở các thành bậc cung điện của triều đình và trên cả các bia tiến sĩ ở Văn Miếu.

Lư hương trang trí hình rồng chầu sen, chất liệu sành, có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18).
Trang trí kiến trúc bằng hoa sen, chất liệu đất nung, thời Lý, thế kỉ 11 - 13
Miệng giếng chạm nổi bằng cánh hoa sen được làm bằng đất nung, có từ thời nhà Trần (khoảng thế kỷ 13-14).



Hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình Việt là một đề tài rất phong phú, được thể hiện ở rất nhiều các hình thức trang trí mỹ thuật và kiến trúc đặc trưng riêng cho mỗi thời kỳ lịch sử dân tộc. Nó không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống, mà còn mang giá trị tinh thần vô giá với người Việt.

Chính vì vậy, hình tượng hoa sen không chỉ là cảm hứng sáng tác của các nghệ nhân xưa, mà ngày nay các họa sỹ hiện đại vẫn có nhiều tác phẩm thành công với đề tài hoa sen, qua nhiều cách nhìn và ngôn ngữ tạo hình khác nhau. Tất cả đều biểu đạt được giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng của loài hoa đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt.

Tìm hiểu về hình tượng hoa sen trong văn hóa cũng như nghệ thuật tạo hình truyền thống không chỉ giúp mỗi người hiểu được nhiều vấn đề từ bao quát đến cụ thể về hình tượng hoa sen mà từ đó còn góp phần định hướng lối sống cho lớp trẻ tới chân - thiện - mỹ, nâng cao nhận thức của giới trẻ về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, cũng như niềm tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc.

CN (Ảnh: internet)