Giỏ hàng
LÀNG BỘT SA ĐÉC – LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG HƠN TRĂM TUỔI Ở ĐỒNG THÁP

Tin tứcNgày: 03-04-2023 bởi: Phong Vinh

LÀNG BỘT SA ĐÉC – LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG HƠN TRĂM TUỔI Ở ĐỒNG THÁP

Không chỉ là vựa hoa của khu vực Miền Tây Nam Bộ, TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) còn nổi tiếng với làng làm bột truyền thống hơn 100 năm. Nằm bên dòng Sa Giang hiền hòa, làng bột Sa Đéc nức tiếng nhờ chất lượng vượt trội và hương vị đặc trưng riêng biệt khó có nơi nào sánh kịp.

Sa Đéc là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với vị trí địa lý nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cả về giao thông đường thuỷ lẫn đường bộ. Là cầu nối giữa hai vựa lúa lớn nhất nước là Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên, Sa Đéc từ lâu tập trung nhiều doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lúa gạo.

Không ai biết chính xác thời điểm làng bột ra đời là từ lúc nào, chỉ biết rằng từ thời xa xưa, với sẵn nguồn nguyên liệu lúa gạo dồi dào, trong lúc nông nhàn, những nông dân Sa Đéc đã sáng tạo ra cách làm bột, để từ đó làm thành các loại bánh, sợi cho phong phú bữa ăn.

Đặc biệt đoạn sông Tiền khi chảy vào Sa Đéc đã tạo thành dòng Sa Giang mang độ pH trung tính, không bị chua do phèn, không bị lợ do nhiễm mặn. Chính nhờ dòng nước sông ngọt lành này, khi kết hợp với hạt gạo của đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, đã tạo nên bột Sa Đéc trắng, mịn, nhuyễn, dẻo, thơm.

Xóm bột đầu tiên ra đời ở Sa Đéc nằm tại xã Tân Phú Đông, về sau lan ra các xã Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, phường 2,… trong thời điểm cực thịnh. Có những gia đình đã trải qua 3-4 đời làm nghề bột.

Hiện làng nghề có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động chủ yếu ở phường 2, xã Tân Quy Tây và Tân Phú Đông, mỗi năm cung ứng cho thị trường 30.000 tấn bột gạo.

Trước đây, các hộ gia đình làm hàng theo phương pháp thủ công, xay bột bằng cối đá. Phải mất cả ngày mới xong hết các công đoạn nên sản lượng và chất lượng bột chưa được đảm bảo. Trong những năm gần đây, người dân đã đưa cơ giới hoá quy trình sản xuất nên vừa giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm, vừa nâng cao sản lượng và uy tín chất lượng của thương hiệu bột Sa Đéc.

Trước đây, các hộ gia đình làm hàng theo phương pháp thủ công nay đã được cơ giới hóa

Công đoạn đầu tiên của quy trình làm bột là vo gạo, làm sạch các tạp chất, bụi bẩn bám xung quanh hạt gạo tấm.

Thời gian để làm cho ra bột thành phẩm được rút ngắn rất nhiều và giúp giảm bớt nhân công nhờ phát triển của khoa học kỹ thuật

Kế đến, hạt gạo sau khi được làm sạch xong sẽ được đưa qua máy nghiền để giã nhuyễn, tạo ra bột gạo lỏng màu trắng sữa đẹp mắt. Bột gạo lỏng sau đó được đưa vào cối ly tâm để tách nước, làm khô, tạo thành những mảng bột trắng ngần. Sau đó, bột khô tiếp tục được đưa vào cối đánh tơi cho thật mịn, thật nhuyễn, rồi cuối cùng mới được đưa vào thùng lắng lọc.

Tại giai đoạn cuối này, vai trò đặc biệt của nước sông Sa Đéc mới được phát huy. Nước sông, sau khi được bơm lên và lắng phèn sẽ hòa cùng bột đánh tơi trong thùng lắng lọc. Lúc này, theo bí quyết gia truyền, người làm bột cho thêm vào bể một xô nước nhờn, được xay và lược ra từ lá bông dâm bụt nay nhờ áp dụng khoa học người dân sử dụng chất trợ lắng carrageenan được chiết xuất từ tảo biển. Đây là loại phụ gia tuyệt đối an toàn với sản xuất thực phẩm giúp cho tỉ lệ thu hồi bột cao hơn, trắng mịn và không tồn dư kim loại nặng.

Các thùng phuy lắng lọc, nơi tinh bột nổi lên trên và phụ phẩm chìm xuống dưới.

Sau thời gian ngâm vài tiếng, hỗn hợp này từ từ biến đổi, các tạp chất, phụ phẩm chìm xuống dưới đáy bể, trong khi phần tinh bột thuần khiết lại nổi lên trên. Tùy theo cách làm của mỗi lò ở công đoạn này mà chất lượng thành phẩm sẽ khác nhau.

Sau khi đã thu được bột tươi – loại được dùng cung cấp cho các lò hủ tiếu, lò mì để làm hủ tíu, mì tươi – người làm bột Sa Đéc còn sản xuất ra bột khô để có thể đóng gói, chuyển đi bán cho các nhà máy, xí nghiệp làm bánh, nui, các loại sợi… Quy trình làm bột khô đòi hỏi người làm bột phải thêm vào công đoạn phơi bột, cũng gian nan và vất vả không kém.

Các loại sợi làm từ bột Sa Đéc

Người làng nghề ví việc phơi bột như “chăm con mọn”, vì sự vất vả, tỉ mỉ của công đoạn này. Bột tươi sau khi thành phẩm trong bồn chứa, để qua đêm rồi mới được “bẻ” thành từng miếng lên liếp và đưa ra giàn phơi dưới trời nắng gắt cho thật khô. Công việc này nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại đòi hỏi rất nhiều công sức và kiên nhẫn.  Cái khó nhất là canh nắng mưa. Mỗi khi thấy trời chuyển mưa một xíu là tui phải gom bột vô, không thôi để mưa ướt thì bột sẽ bị mốc, không bán được, rồi tới khi trời nắng lại lấy bột ra phơi.

Khắp nơi trong làng bột là cảnh phơi bột.

Thực phẩm được chế biến từ bột Sa Đéc dai mà mềm, thơm ngon đặc trưng. Hiện nơi đây là đầu mối cung ứng bột cho các tỉnh miền Tây, TP.HCM, miền Đông Nam Bộ, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và một số nước châu Âu.

 

Tạo nên những món ngon khó cưỡng

Các loại bánh dân gian hấp dẫn

Ống hút tự hủy làm từ bột Sa Đéc

 

Hơn 100 năm hình thành và phát triển, làng nghề bột đã trở thành một trong những địa điểm du lịch Đồng Tháp thú vị thu hút đông đảoa du khách đến tham quan. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng với nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi, hơn một thế kỉ qua, con người nơi đây đã tạo nên sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng.