Tin tứcNgày: 15-04-2023 bởi: Phong Vinh
“Mời lên đoá sen thuần khiết trong tâm hồn” – Đối thoại với Thiền sư Thích Minh Niệm
Ngày 30/03/2023 vừa qua, buổi pháp thoại với chủ đề “Thuần khiết như một đoá sen” của Thiền sư Thích Minh Niệm được kết hợp tổ chức trong tuần lễ Triển lãm Nghệ thuật Sen Việt 2023.
Ấn Độ, cái nôi của Phật giáo quan niệm rằng hình ảnh hoa sen mọc lên từ bùn được coi là biểu tượng của đạo đức và sức mạnh tinh thần. Sen ẩn dưới bùn xa lìa trần thế gọi là u vi, tựa như cuộc đời của những bậc tu hành luôn tránh xa những điều trần tục, âm thầm cống hiến chứ không hề khoe khoang. Lá sen ngửa rộng lên trời tượng trưng cho sự thành tâm.
Cùng tĩnh tâm, ngồi thiền với Thiền sư Thích Minh Niệm…
“Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Mà yêu quá đời này.”
“Tôi ơi đừng tuyệt vọng” – Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trần tục, mụ mị chạy theo những ham muốn tầm thường của đời người, quán chiếu với chính mình để tự hỏi mình “là ai, là ai?” mà một thoáng nhân gian thật rực rỡ. Những lời ca trong bài hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thả nhẹ trong thanh âm của Thiền sư Thích Minh Niệm. Chạm vào những hồn nhiên trong trẻo, để ta thấy yêu thương, để thấy mình được nâng đỡ mà không đòi hỏi hơn thua. Đời sống nhân gian rưc rỡ, mỗi chúng ta đều tồn tại hai con người trong mình, vô tình cuốn sâu vào vòng xoáy. Đồng nhất với con người trần gian với nhiều sân si mà quên đi con người trong trẻo thuần khiết mà đất trời ban tặng.
Chia sẻ về hành trình chữa lành cho những tâm hồn tổn thương, Thiền sư Thích Minh Niệm tâm niệm: “Khi một người bị trầm cảm quá lâu, quá sâu, họ tin rằng mình bị trầm cảm, cho rằng điều đó là một phần trong thể xác này và đâu là cách mình phải đối diện, chống chọi?”. Phải chăng, nó đang lớn dần và nuốt chửng, chiếm hữu và điểu khiển con người nội tại. Họ không biết rằng còn ai có thể cứu giúp được mình. Để rồi chìm vào hố đen của đau khổ, của khu rừng trầm cảm, và tự nhận mình là một kẻ trầm cảm. Để rồi họ đã chọn cách kết thúc cuộc đời mình!
“Khi tôi trị liệu tâm lý, nhận thấy một người khi đã trải qua cơn trầm cảm, họ đã chọn cách nhìn lại với nó, họ có thể từng là người với đời sống lừng lẫy trước đây”. Nhìn lại để thấy, nhìn lại để thấu, để nhận ra rằng âm thanh của đời sống, sự sống ngay từ bước chân – đây là con đường trở về chính mình. Và “Anh đã khóc, anh đã được chạm vào sự sống. Anh đã thoát khỏi con người trầm cảm, con người trần gian, … mấy mươi năm đã đồng nhất mình với một con người đầy chiêu trò, hơn thua và đầy hận thù. Đó là những giây phút được sống trọn vẹn nhất”.
Chúng ta đến với cuộc đời này để làm gì?
Từ tốn hỏi các học trò trong buổi pháp thoại, câu hỏi hỏi tưởng chừng như giản đơn của Thiền sư Thích Minh Niệm đã khiến hội trường trở nên lặng thinh. Chúng ta đến với cuộc đời này để trở thành người mình mong muốn nhưng phải đấu tranh và luôn mong cầu có được điều gì. Nhưng con người – “chúng ta” đâu biết rằng mình luôn đủ điều kiện hạnh phúc nhưng không cảm nhận được hạnh phúc. “Bởi anh đã thiếu đi linh lưc để kết nối với con người thuẩn khiết”. Bởi lẽ chúng ta cũng cần những mưu sinh để gánh gồng, để sinh tồn. Thế những, xin đừng đánh mất con người thuần khiết mà mình vốn được trời đất ban tặng. Giữ cho mình chân-thiện-mỹ, mỗi chúng ta mới trở nên rực rỡ, trở nên tuyệt với nhất và điều đó luôn có sẵn trong mỗi cá thể. “Chúng ta đang có rất nhiều điều kiện để hạnh phúc, chúng ta không có hạnh phúc bởi vì chúng ta không muốn có, là do chúng ta chọn hờ hững, không tập trung vào những thứ mình đang có. Quá bận bịu vào tháo gỡ những khó khăn, thất bại, để rồi bỏ rơi những điều kiện được hạnh phúc” – Thiền Sư Thích Minh Niệm bày tỏ.
Để rồi khi ngồi yên xuống, thả lòng, khép mắt, mỉm cười, hít vào-thở ra. Thân tâm hợp nhất, thân giả xuất hiện, thiên lửa tính xuất hiện thì tâm mới bắt đầu xuất hiện. Có lúc phải dừng lại, lắng yên xuống để thấy được sự trong veo, thuần khiết như lặng bùn dưới ao. Mọi thứ sẵn sàng nhưng mình chưa sẵn sàng, can đảm bước ra từ những sự ràng buộc, … hay phải trải qua những khổ đâu thì mới tìm về hạnh phúc. “Chắp tay em cảm ơn đời màu nhiệm, cho em hai mươi bốn giờ tinh khôi” vần thơ trong trẻo vang lên được Thiền sư Thích Minh Niệm trích trong bài thơ “Ý thức em mặt trời tỏ rạng” của Sư ông Làng Mai – Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Trong mỗi chúng ta đều có sẵn sự thuần khiết, trong trẻo, hồn nhiên. Nhưng chúng ta đã quen để đồng nhất với phần còn lại để rồi chúng ta “Em cần, em trú, em cần bình yên, em cần hồn nhiên trong trẻo”. Sẽ không bao giờ là muộn bởi chúng ta biết tỉnh thức, biết quay đầu. Quay đầu để nhìn lại, để nhắc nhở chính mình, nhưng xin hãy nhớ cho bến giác vẫn còn xa, bởi hành trình về bến bờ thân-tâm vẫn còn xa như cách chúng ta rời đi. Cần gạn đục khơi trong để trở về bờ bến của mình.
Nếu khổ đau không đến đây
Chúng ta đã đi qua những giai đoạn thương đau của cuộc sống, của đại dịch, không thể được chạm vào nhau, không thể thực hành. Khổ đau là điều kiện để hạnh phúc lên ngôi, khổ đau là điều kiện quan trọng của hạnh phúc.
“Nếu không có những ngày tháng nằm rã rời vô hồn trên giường bệnh
Làm sao ta hiểu được rằng được nói cười, đi đứng là diễm phúc thần tiên
Nếu không có những ngày tháng dầm mình trong mưa bão triền miên
Làm sao ta biết được ngồi yên bên bếp lửa nhà hơ tay lòng sẽ ngập tràn ấm áp
Nếu không có những ngày tháng chia lìa, không thể gọi tên nhau mỗi khi thức giấc
Làm sao ta thấy được lòng mình sẽ ngập tràn hạnh phúc đong đầy
Và làm sao ta thấy được lòng mình sẽ đong đầy và hạnh phúc vì có nhau
Những ngày tháng qua quay cuồng trong hành trình đầy biến động thương đau
Đã có lúc tưởng chừng như sẽ không bao giờ được nhìn thấy mặt trời nữa
Ta đã ném vào nhau những cái nhìn đầy hoang mang vì lòng không điểm tựa
Bao năm qua đã được gì, sao bây giờ không thể tính nổi chuyện ngày mai
Những ngày tháng qua ta và cuộc đời bỗng bị tách ra làm hai
Những cánh tay không thể chạm vào nhau
Những ánh mắt nhìn cũng phải cần khoảng cách
Ta đã nằm co như con tôm
Nghe tiếng đồng hồ quay đều đều với âm thanh diệu kỳ
Tích tắc
Lòng chợt thấy bồi hồi
Cũng đã từ lâu lắm rồi trong khu vườn yên tĩnh buổi bình minh
Những cành hoa đào đứng phơi mình trong giá rét vững chãi với niềm tin
Nếu không có mùa đông thì hoa đào không thể tỏa sắc hương trong nắng ấm
Nếu không có mùa đông thì hoa đào không thể không đủ sức làm cho mùa xuân thêm tươi thắm
Nếu khổ đau không đến kịp bây giờ thì hạnh phúc cũng sẽ tình cờ như mọi ngày lặng lẽ ra đi…”
“Nếu khổ đau không đến đây”, Thiền sư Thích Minh Niệm sáng tác.
Không có bùn thì không có sen
Ngắm nhìn bình sen e ấp bên mình, Thiền Sư Thích Minh Niệm âu yếm: “Ai nói sen gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn, … Sen biết ơn bùn và không thể rời bùn được. Sen phải ở với bùn – hạnh phúc phải nằm trên khổ đâu, sự thuẩn khiết phải ở cùng sự bất thuẩn khiết”. Chúng ta phải sống chung với những điều không tưởng chừng đó để giác ngộ, để hạnh phúc. Mỗi ngày hãy thắp một đoá sen ở trong lòng, đừng bỏ chạy, đừng phán xét, hay ném đá vào một vũng bùn. Tính chất của sen luôn nhắc nhở về sự thuần khiết của mỗi con người. Theo thời gian thấy mình lớn lên, bao dung độ lượng hơn nhờ những người làm khổ mình. Đó là những bước đi vững chãi trong cuộc đời, và nhìn thấy những điều ấy khiến chúng ta cảm thấy mình thật nhẹ nhàng. Như lá sen bay trong ngàn sương, để gió cuốn đi, … Như cách mà nhạc sĩ họ Trịnh khắc lại trong ca khúc “Để gió cuốn đi”.
Nếu như ai đó hỏi tôi: “Thưa thầy, trên con đường tu luyện thì chất liệu gì là quý giá nhất và chúng ta mong muốn đạt được nhất?”. Chất liệu của sự trong trẻo, của sự thanh tịnh, sự bình an sâu thẳm, một trạng thái mình được trở về con người của mình. Chứ không phải những tên gọi, sự tôn vinh, không là ai không trở thành cái gì hết. Trạng thái lắng yên hoàn toàn, không có một cái tôi nào đó, không một niềm kiêu hãnh, sự kỳ thị so sánh cao thấp. Phóng chiếu nhìn ra thế giới xung quanh thì mọi thứ luôn đẹp lung linh, tâm lúc đó có màu gì? Đó là tâm màu nhiệm, tâm trong trẻo, tâm thuần khiết, …
Đi tìm sự thuần khiết trong các mối quan hệ, trong công việc mình đang làm, như cách đặt đoá sen trong lòng mình. Mỗi giây phút, công việc, lời nói thì hãy đặt một đoá sen trong lòng mình. Vì ai, có lợi ích không? Quán chiếu mình, ghi nhận và nhìn nhận chính mình một cách không khiên cưỡng sẽ khiến đục thành trong. Cớ sao phải dùng lý trí để ép bản thân mà đâu biết trái tim sẽ tổn thương. Lùi lại để quan sát sự không thuẩn khiết và ôm trọn, nhảy múa với nó và có mặt một cách dễ mến với nó. Bởi,“Mỗi khi thấy mình như một vũng bùn thì hãy chồng lên mình thêm một đoá hoa…”.
Trường Giang – PGĐS