Tin tứcNgày: 06-09-2021 bởi: Ecolotus
ECOLOTUS - NGƯỜI CHẮP CÁNH CHO SEN
Từ những bông sen có rất nhiều ở quê mình, một chàng trai đã ứng dụng công nghệ cao để tạo ra nhiều sản phẩm giá trị.
Đó là anh Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Khởi Minh Thành Công. Chàng trai quê Đồng Tháp này đã ứng dụng công nghệ, bổ sung những mảnh ghép vào chuỗi giá trị của cây sen. Ngoài hoa sen sấy khô, chàng trai 8X này còn phát triển hàng loạt sản phẩm từ nguyên liệu là cây sen, gồm các đồ gia dụng như khay, nia, đế lót ly…, tranh mỹ thuật, trang trí nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ…
Đứng lên từ thất bại
Năm 2007, Ngô Chí Công sang Pháp du học. Sau đó, Công tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành công nghệ hóa học, chuyên ngành phát triển bền vững tại Trường Đại học Sorbonne Pierre et Marie Curie (Paris 6). Ra trường, anh nhận được nhiều cơ hội ở lại Pháp làm việc nhưng quyết tâm về Việt Nam để khởi nghiệp.
Anh Ngô Chí Công - CEO Ecolotus
Công thừa nhận mình rất thích bếp núc nên dự án khởi nghiệp đầu tiên của anh là một tiệm bánh. "Tiệm bánh có 4 cổ đông, đều là du học sinh quen biết nhau từ trước. Dự án chạy được gần một năm thì đến cuối năm 2014, chúng tôi ngậm ngùi sang lại toàn bộ máy móc, công thức… Tết năm ấy rất buồn" - Công nhớ lại.
Sau thất bại ấy, Công vỡ ra nhiều thứ và quyết định đăng ký học một khóa đào tạo giám đốc điều hành ngắn hạn. Theo anh, dự án tiệm bánh "chết" rất… xứng đáng bởi lúc làm, cả 4 người đều chỉ biết thu - chi, ngoài ra chẳng biết gì khác. Hơn nữa, sản phẩm quá mới mẻ so với thị hiếu, rồi 4 người làm cùng nhau mà khó tìm được tiếng nói chung.
Sau cú vấp ngã đầu tiên, Công về quê hương Đồng Tháp, mượn tiền gia đình, bắt đầu dự án thứ hai với công nghệ in nước (hydroart) theo hợp đồng nhượng quyền của một doanh nghiệp ở Tây Ban Nha. Công nghệ này khá thịnh hành ở châu Âu, thường ứng dụng trong việc độ xe. Thay vì dán keo xe dễ bong tróc, xuống màu… thì sơn. Ngoài xe, công nghệ này còn ứng dụng trên nhiều loại sản phẩm như mũ bảo hiểm, gốm… Nhưng rồi, dự án này cũng hoạt động được gần một năm thì "chết lâm sàng".
Sau lần thất bại thứ hai, Công xoay sang làm gốm giả đá, chủ yếu cung cấp cho làng hoa Sa Đéc. Hàng sản xuất ra bán không được, anh càng giãy giụa, việc sản xuất - kinh doanh càng sa lầy.
Một loạt thất bại khiến Công chịu nhiều áp lực, nhất là khi hàng xóm nói ra nói vào, kiểu "đi học Tây cho cố rồi về chả làm được gì cho ra hồn". Trong khi đó, gia đình lại muốn anh thi vào công chức để có cuộc sống ổn định. "Tính tôi bộc trực, không thích gò bó nên chắc chắn không hợp với môi trường nhà nước" - Công chia sẻ.
Giấc mơ đưa sen Việt đi khắp nơi
Công cho biết ý tưởng khởi nghiệp về sen ban đầu cũng không thật rõ ràng. Đơn giản chỉ là việc tìm kiếm một thứ gì đó để cắm vào đống chậu gốm giả đá chất đống trong kho cho dễ bán. Công trò chuyện với mẹ và được bà gợi ý: "Một là muốn có được sự ủng hộ từ địa phương thì phải nương theo chủ trương. Hai là sản phẩm phải độc đáo, chưa có ai làm".
Đồng Tháp sẵn sen, sen ở khắp nơi. Loài hoa này rất đẹp nhưng mau tàn, không thể chuyển đi xa. Nghe nói trên Đà Lạt có một nghệ nhân làm được hoa bất tử, Công tìm đến đặt vấn đề. Trò chuyện với nghệ nhân này, anh mới biết ông đã thử nghiệm thành công việc ướp hoa sen trong phòng thí nghiệm.
Sau khi tìm hiểu công nghệ sấy hoa từ nghệ nhân, Công quay về Đồng Tháp tự mày mò nghiên cứu công nghệ sấy hoa sen. Mất gần nửa năm sau, Công đã thành công khi giữ được màu sắc của hoa gần như nguyên vẹn.
Hiện nay, ngoài việc làm ra hoa sen sấy khô, Công còn kết hợp làm bình gốm sử dụng công nghệ sơn nhúng hydrographics. Tuy nhiên, hoa sen khô được xác định là sản phẩm chủ lực, Công nhắm vào phân khúc cao cấp.
Hiện sản phẩm của Công đã có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều cơ sở ở các nước tìm đến đặt hàng. Gần đây, Công còn phát triển lá sen sấy khô, gương sen khô, hạt sen khô… trong các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như: nội thất, thời trang, quà tặng du lịch, ẩm thực…