Tin tứcNgày: 19-04-2023 bởi: Phong Vinh
Phát huy giá trị truyền thống của làng bột Sa Đéc
Nghề làm bột gạo tại Sa Đéc đã có trên 100 năm, là sản phẩm nổi tiếng của địa phương, dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh phở, hủ tiếu, bún ăn liền, các loại bánh và thực phẩm khác. Nghề làm bột đã góp phần tạo việc làm tại chỗ cho trên 1.000 lao động và hàng trăm lao động khác trong các dịch vụ mua bán, vận chuyển sản phẩm bột. Song làm thế nào để giữ gìn và phát triển làng nghề một cách bền vững gắn với đảm bảo môi trường ở khu vực sản xuất là vấn đề băn khoăn và trăn trở của địa phương.
Làng nghề bột Sa Đéc với 358 hộ tham gia sản xuất bột, tập trung ở xã Tân Quy Tây và xã Tân Phú Đông, trong đó chủ yếu là xã Tân Phú Đông. Bột gạo Sa Đéc là sản phẩm nổi tiếng của địa phương, trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm được làm từ bột Sa Đéc đẹp, ngon, mịn, trong trắng tự nhiên Nguồn nước sông tại địa phương có độ pH=7 (trung tính) nên rất thuận lợi cho việc sản xuất bột. Cùng với nghề làm bột, các hộ dân còn tranh thủ tận dụng nguồn phụ phẩm từ sản xuất bột để chăn nuôi heo, tạo thêm thu nhập. Ngoài việc cung cấp hơn 30.000 tấn bột gạo/năm ra thị trường, các hộ làm bột còn cung cấp nguồn heo hơi với tổng đàn hiện nay hơn 30.700 con. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), trăn trở: "Từ lâu Sa Đéc có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm sau gạo, song số hộ sản xuất bột giảm dần qua từng năm nên sản lượng bột Sa Đéc đang giảm đáng kể. Sản phẩm bột chưa có thị trường ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Một vấn đề băn khoăn của địa phương là đa phần các hộ làm bột kết hợp chăn nuôi heo đều có xử lý hầm biogas song với diện tích sản xuất và chăn nuôi hạn chế nên việc xử lý môi trường chưa thực sự triệt để làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của làng nghề".
Thời gian qua, một số hộ làm bột ở Sa Đéc đã chú trọng đổi mới công nghệ nhưng con số chuyển đổi vẫn còn khá hạn chế. Ông Nguyễn Văn Nương, chủ cơ sở sản xuất bột ở phường 2 (TP Sa Đéc), chia sẻ: "Thay vì sản xuất bột theo phương pháp thủ công như vo gạo bằng tay, cối xay bột bằng tay, bồng bột tách nước thì nay các hộ làm bột đã trang bị máy vo gạo, máy xay bột, máy ép ly tâm, máy đánh tơi nhằm giảm sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên các thiết bị, công cụ, máy móc sản xuất của các cơ sở chưa đồng bộ, chất lượng bột thành phẩm còn tùy thuộc vào tay nghề, môi trường và thời tiết khi sản xuất nên thiếu độ đồng nhất về chất lượng". Ông Bùi Hữu Lộc, Giám đốc DNTN Lộc Sánh (Châu Thành-Đồng Tháp), cho biết: Huyện Châu Thành có gần 1.000 hộ làm bột, song chỉ có một số hộ có đưa máy móc vào sản xuất bột, còn 95% số hộ còn lại sản xuất thủ công. Đơn vị chúng tôi chuyên thu gom bột từ hơn 300 hộ làm bột vệ tinh để chế biến và cung ứng ra thị trường. Vào mùa nắng bột làm ra trắng, đẹp, sản lượng nhiều, nhưng giá thấp. Đến mùa mưa do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng giảm và chất lượng cũng không đảm bảo. Muốn tạo ra sản phẩm có độ đồng nhất cao, đảm bảo chất lượng, ngoài yếu tố tay nghề của các hộ làm bột còn cần có sự trợ lực của địa phương để đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất".
Nhìn chung, các cơ sở sản xuất bột đều thiếu vốn mua nguyên liệu tấm, con giống, thức ăn phục vụ làm bột và chăn nuôi heo. Việc tiếp cận vốn ngân hàng còn khó trong khi địa phương chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với những hộ mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất theo hướng hiện đại. Tại hội thảo "Làng nghề bột Sa Đéc-Những tác động của môi trường và định hướng phát triển bền vững" vừa diễn ra tại TP Sa Đéc, nhiều ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học, cho rằng: Để phát triển làng bột Sa Đéc, cần có sự tham gia của "4 nhà" trong việc đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất, xử lý môi trường của làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm bột, tạo ra thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ bột để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, để hỗ trợ cho sự phát triển của làng bột Sa Đéc, Trường Đại học Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ ngành chức năng của thành phố Sa Đéc và các hộ làm bột ứng dụng công nghệ hiện đại để cải tiến và rút ngắn thời gian sản xuất ra sản phẩm bột, xử lý chất thải, xây dựng hầm ủ biogas để giải quyết vấn đề môi trường. Đồng thời, Trường cũng sẽ phối hợp với thành phố tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình chuẩn trong khu vực làng nghề, huy động sự tham gia "4 nhà" để liên kết hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín phục vụ cho sự phát triển của làng bột".
Bột gạo được xem là một nguyên liệu chủ yếu không thể thiếu được trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Thời gian qua, Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp đã khai thác lợi thế du lịch kết hợp ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực từ bột gạo Sa Đéc nhằm thu hút du khách. Qua đó, Công ty đã xây dựng chương trình du lịch ẩm thực với hình thức mời du khách tham gia "Một ngày làm nghệ nhân nấu ăn, làm bánh", nhằm giới thiệu, duy trì và bảo tồn các dụng cụ thủ công của quy trình làm bột, làm các loại bánh dân gian, giới thiệu giá trị dinh dưỡng của các món bánh độc đáo từ bột Sa Đéc. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp, cho rằng: "Địa phương cần quy hoạch làng nghề một cách bài bản, phát huy giá trị nghề bột truyền thống có từ lâu đời của Sa Đéc. Đặc biệt là quan tâm đầu tư nhiều hơn đến việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh làng nghề, tập huấn cho các hộ dân làm bột về việc tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh môi trường, xử lý môi trường. Để làng bột trở thành điểm tham quan du lịch, vấn đề môi trường phải được giải quyết triệt để nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách. Việc phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội sẽ là cơ hội để các ngành chức năng địa phương, các hộ làm bột tham gia hiệu quả và tích cực trong việc định vị giá trị thương hiệu làng bột Sa Đéc, gắn kết, phát huy những bản sắc văn hóa làng nghề với giá trị ẩm thực thuần túy mang đậm nét đặc thù của quê hương Đồng Tháp và văn hóa ẩm thực Việt Nam".
Bài, ảnh: MINH HUYỀN