Tin tứcNgày: 19-04-2023 bởi: Phong Vinh
Phát triển bền vững thương hiệu bột gạo Sa Đéc
Bột gạo Sa Đéc được sản xuất ở Đồng Tháp đã tạo nên thương hiệu và có giá trị riêng. Với đặc trưng của một làng nghề địa phương, Sa Đéc cũng trở thành một trong những điểm du lịch Đồng Tháp hấp dẫn du khách đến tham quan.
Đồng Tháp có nhiều làng nghề truyền thống độc đáo, có thể kể đến là làng hoa Tân Quy Đông; làng chiếu Định Yên; làng nghề dệt khăn choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự; nem Lai Vung… Bên cạnh sự hình thành và phát triển của ngành xay xát, kinh doanh lúa gạo, thành phố Sa Đéc còn hình thành làng nghề truyền thống chuyên sản xuất xuất bột, đó là “Làng bột Sa Đéc”.
Bột gạo Sa Đéc - Đồng Tháp
Nghề làm bột gạo Sa Đéc tập trung ở các xã: Tân Phú Đông, Tân Quy Đông, An Hoà đã phát triển ở quy mô công nghiệp với sản lượng trên 50.000 tấn bột gạo/năm. Nhu cầu tiêu thụ lớn của sản phẩm này tại TP.HCM, vùng Đông, Tây Nam Bộ, cũng như xuất khẩu ra cả các nước Đông Nam Á, là cơ sở cho sự phát triển vững chãi của làng nghề.
Làng nghề truyền thống làm bột ở Sa Đéc không ngừng được cải tiến công nghệ, đa dạng sản phẩm. Hiện nay, nhiều hộ sản xuất bột ở Sa Đéc đã chú trọng đổi mới công nghệ bằng cách trang bị máy vo gạo, máy xay bột, máy ép ly tâm, máy đánh tơi... Thay vì sản xuất thủ công như trước cho năng suất thấp thì với công nghệ tiên tiến, sản xuất bột hiện nay đã giảm nhân công và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam thì bột gạo chính là nguồn nguyên liệu chủ yếu. Tỉnh Đồng Tháp đã kết hợp ẩm thực với du lịch, đặc biệt là ẩm thực từ bột gạo Sa Đéc nhằm khai thác và phát triển mạnh ngành du lịch.
Tạo mọi điều kiện phát triển nghề truyền thống bột gạo Sa Đéc
Với lượng tiêu thụ lớn, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân 90 tấn bột tươi mỗi ngày để sản xuất ra các sản phẩm ăn liền như: mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo... do đó nghề làm bột ở Sa Đéc không ngừng được cải tiến về nhiều mặt. Làng Bột Sa Đéc đã cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất và phát triển các sản phẩm mới nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Tuy vậy, giá cả, nhu cầu không ổn định… vẫn là những yếu tố gây khó khăn tới lượng tiêu thụ bột gạo.
Tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra những giải pháp giúp cho việc sản xuất bột gạo tốt hơn, đồng thời có các chính sách hỗ trợ giúp người dân đổi mới thiết bị, máy móc nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sản phẩm. Thành phố cũng đã thực hiện đề án nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sản xuất bột gạo tại đây.
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mà sản phẩm bột gạo Sa Đéc gắn liền với các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm để có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.
Tỉnh Đồng Tháp đã và sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng thêm các làng nghề truyền thống, những món ăn đặc sản nhằm thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế. Đặc biệt là tỉnh đã quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển nghề truyền thống bột gạo Sa Đéc, mang lại những hiệu quả thiết thực.
Đồng Tháp định hướng quy hoạch lại khu sản xuất bột gạo. Để duy trì sản lượng bột ổn định và đảm bảo nguồn cung cho các đối tác, tỉnh sẽ tiến hành liên kết các hộ sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến tìm kiếm thị trường và đầu vào, gia tăng giá trị cho sản phẩm. Công tác xây dựng thương hiệu quảng bá truyền thông được chú trọng; tiếp tục gắn kết phát triển làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc gắn với du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nguồn: Ecolotus tổng hợp